Google sắp nhận tiếp án phạt ở Nga

Google phải đối mặt với khoản tiền phạt 82.000 USD vì từ chối bản địa hóa dữ liệu của người dùng Nga.

Thông tấn TASS dẫn một nguồn tin tại Tòa án Quận Tagansky, Thủ đô Moscow cho biết, Google đang phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 6 triệu rúp (82.000 USD) vì từ chối bản địa hóa dữ liệu của người dùng Nga theo luật hiện hành.

Google đang bị “truy sát” trên khắp thế giới.

“Tòa án đã nhận được một giao thức liên quan đến Google theo Phần 8 Điều 13.11 của Bộ luật Vi phạm Hành chính của Nga [vi phạm luật dữ liệu cá nhân của Nga]. Ngày xét xử vẫn chưa được ấn định. Hình phạt tối đa dành cho các pháp nhân là 6 triệu rúp” – nguồn tin cho biết.

Nếu Google bị kết tội, hình phạt vì từ chối bản địa hóa cơ sở dữ liệu của người dùng Nga ở Liên bang Nga sẽ trở thành hình phạt đầu tiên dành cho gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

Trước đó, truyền thông Nga cho biết, Cơ quan Giám sát Truyền thông, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Đại chúng của Liên bang Nga thông báo rằng Google, Facebook, Twitter và những gã khổng lồ truyền thông xã hội khác chưa bản địa hóa cơ sở dữ liệu cá nhân của người dùng Nga vào ngày 1/7/2021 như quy định. Cơ quan quản lý đã yêu cầu họ thực hiện và nếu không có câu trả lời sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết.

Nga đã liên tục đưa ra các hành động pháp lý đối với các công ty công nghệ Mỹ suốt nhiều tháng qua. Hồi cuối tháng 5, tòa án Nga đã phạt hai “gã khổng lồ” Mỹ là Google và Facebook vì không xóa các nội dung cấm trên nền tảng của mình.

Theo phán quyết của Tòa án quận Tagansky, Moscow, Facebook bị phạt tổng cộng 26 triệu rúp (353.890 USD) với 8 tội danh. Google buộc phải trả 6 triệu rúp (81.690 USD) cho ba tội danh. Cả hai công ty chỉ bị phạt hành chính.

Facebook và Google bị cáo buộc liên quan đến các bài đăng khuyến khích trẻ vị thành niên Nga biểu tình vào tháng 1. Khi đó, nhiều người trên khắp nước Nga đã xuống đường ủng hộ lãnh đạo đối lập Alexei Navalny khi người này bị bắt giam.

Đáng nói, các gã khổng lồ Internet của Mỹ không chỉ bị kiểm soát chặt hơn ở Nga mà còn bị siết ở nhiều quốc gia đồng minh Mỹ.

Hôm 22/6, Ủy ban châu Âu (EC) đã mở cuộc điều tra mới để xác định liệu Google có ưu ái dịch vụ công nghệ quảng cáo trực tuyến của mình và vi phạm các quy định chống độc quyền không.

Theo bà Margrethe Vestager, Phó chủ tịch EC phụ trách về vấn đề cạnh tranh, Google thu thập dữ liệu để dùng cho các mục đích quảng cáo được xác định trước, doanh nghiệp này bán không gian quảng cáo và cũng hoạt động như một trung gian quảng cáo trực tuyến. Do đó, Google hiện diện ở hầu hết các cấp độ trong chuỗi cung ứng quảng cáo hiển thị trực tuyến.

EC lo ngại rằng Google đã khiến các dịch vụ quảng cáo trực tuyến của đối thủ khó cạnh tranh hơn trong cái gọi là công nghệ quảng cáo. Do đó, cuộc điều tra sẽ đánh giá liệu Google có vi phạm các quy tắc cạnh tranh của EU hay không, thông qua việc ưu tiên các dịch vụ công nghệ quảng cáo hiển thị trực tuyến của riêng mình.

Trước đó, Cơ quan chống độc quyền của Pháp đã phạt Tập đoàn Google 220 triệu Euro (267 triệu USD) vì lạm dụng sức mạnh thị trường trong kinh doanh quảng cáo trực tuyến. Khi đó, giới chức Pháp tuyên bố đây là hình thức trừng phạt đầu tiên trên thế giới. Tập đoàn Google đã chấp nhận nộp phạt và cam kết sẽ chấm dứt các hoạt động nhằm thu lợi nhuận từ việc kinh doanh quảng cáo trực tuyến tự động này. Tập đoàn Google cũng đã đề xuất những điều chỉnh liên quan hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực công nghệ.

Thậm chí trước đó, cơ quan giám sát quyền riêng tư về dữ liệu của Pháp cũng đã phạt Google 100 triệu Euro (121 triệu USD) vì vi phạm các quy tắc của nước này trong quy trình theo dõi quảng cáo trực tuyến (cookie).

Tại Úc, hồi cuối tháng 6 cũng đã thông qua dự luật giảm lạm dụng mạng, cho phép họ buộc các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và Google phải xóa thông tin độc hại trong vòng 24 giờ, hoặc sẽ bị phạt tới 415.000 USD.

Dự luật An toàn Trực tuyến cũng yêu cầu các công ty dịch vụ internet cung cấp thông tin nhận dạng và hợp đồng về những người chuyên lạm dụng trên nền tảng của họ. Ngoài ra, hình phạt sẽ được tăng cường đối với các hành vi lạm dụng và quấy rối trực tuyến, bao gồm cả án tù lên đến 5 năm. Được phát triển để đối phó với các cuộc tấn công khủng bố từng được truyền phát trực tiếp ở New Zealand hồi năm 2019, dự luật trao quyền cho Ủy viên An toàn điện tử quốc gia của Úc để nhanh chóng chặn những hành động như vậy.

Giữa tháng 4, Tòa án Liên bang Australia ra phán quyết cho rằng Google đã lừa dối người dùng về việc thu thập dữ liệu vị trí cá nhân thông qua các thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android.

Do vậy, dù người dùng từ chối chia sẻ thông tin vị trí, những thông tin này vẫn có thể bị Google thu thập và sử dụng. Theo ABC News, Google có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới hàng triệu USD sau phán quyết nói trên.

Ngay tại quê nhà, Google cũng phải chịu sức ép ngày càng lớn trong việc phải chịu sự kiểm soát của nhà nước. Chính quyền bang Ohio (Mỹ) đã đệ đơn kiện và kêu gọi một tòa án địa phương ra phán quyết công nhận Google là một tiện ích công phải chịu sự quản lý của nhà nước.

Trong đơn kiện chưa từng có trong tiền lệ này, Tổng Chưởng lý bang bang Ohio (Mỹ), ông Dave Yost nêu rõ Google nên được xem là tiện ích công chịu sự quản lý của chính phủ về công cụ tìm kiếm và các dịch vụ khác.

Các tiện ích công cộng cung cấp các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu như điện, nước. Vụ kiện không nhằm đòi bồi thường thiệt hại, mà muốn Google cung cấp đa dạng các nguồn hoặc cho phép các đối thủ có quyền cạnh tranh bình đẳng với hãng công nghệ này.

Ông Yost cáo buộc Google lạm dụng vị thế thống lĩnh trên thị trường, có những hành vi cạnh tranh không lành mạnh và phân biệt đối xử với cư dân bang Ohio. Cụ thể, Google đã ưu tiên hiển thị các sản phẩm, trang web và dịch vụ của hãng trong kết quả tìm kiếm, gây bất lợi cho các đối thủ cạnh tranh.

Hải Lâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *