Loạt kỳ vọng ở ‘Thái tử Samsung’ sau ân xá

Phó chủ tịch Samsung Lee Jae-yong được tại ngoại sớm, mở ra cơ hội phục hồi kinh tế cho Hàn Quốc với các kế hoạch của công ty.

Từ Trung tâm giam giữ Seoul ở tỉnh Gyeonggi hôm 13/8, ông Lee đến trụ sở Samsung ở Seocho, phía nam Seoul và ở đó đến đêm. Ông được cho là đã tham gia một cuộc họp ngắn với Phó Chủ tịch Samsung Electronics Kim Ki-nam và gặp gỡ giám đốc của các công ty khác thuộc tập đoàn Samsung .

Ông Lee bị kết tội biển thủ quỹ công ty trị giá 8,6 tỷ won (7,3 triệu USD) để đưa hối lộ cho cựu Tổng thống Park Geun-hye, do đó, không được phép tham gia hội đồng quản trị của Samsung Electronics hoặc đảm nhận bất kỳ vị trí chính thức nào khác.

Video đang HOT

Loạt kỳ vọng ở Thái tử Samsung sau ân xá - Hình 1

Ông Lee Jae-yong cúi người xin lỗi sau khi được ân xá ngày 13/8. Ảnh: Reuters

Tại Hàn Quốc , những người bị kết án biển thủ 500 triệu won trở lên sẽ bị cấm làm việc cho các công ty liên quan trong 5 năm sau khi mãn hạn tù.

Samsung cho biết Lee được miễn trừ những hạn chế đó, vì thực tế, ông không còn làm việc cho Samsung nữa. Ông đã rời hội đồng quản trị vào năm 2019 và không nhận lương kể từ đó.

“Các điều khoản ân xá thực sự nằm trong vùng xám. Nhưng chúng ta có thể hiểu đơn giản rằng Lee được thả để có thể bắt đầu làm việc”, một quan chức cấp cao của Samsung cho biết.

Bất chấp những chỉ trích từ nhiều người dân rằng hệ thống ân xá đang bị lạm dụng như một thẻ miễn tội để được hưởng đặc quyền, các nhà chức trách đã “bật đèn xanh” cho các hoạt động kinh tế của Lee.

Vào ngày được trả tự do, Tổng thống Moon Jae-in kêu gọi người dân thông cảm và nói rằng quyết định này là vì lợi ích quốc gia. Bộ trưởng Tư pháp Park Beom-kye, người ký quyết định ân xá cho Lee, cho biết ông đã xem xét “tình hình kinh tế dưới sức ép từ đại dịch Covid-19 kéo dài”.

Sau khi được ân xá, ông Lee được kỳ vọng có thể tiếp tục thông qua các kế hoạch đầu tư đang đi đúng hướng của Samsung, sau khi sự vắng mặt của ông đã khiến chúng dừng lại.

Đưa Samsung thành công ty đúc chip số một thế giới

Một trong những mục tiêu của Samsung Electronics là đầu tư 171 nghìn tỷ won (147 tỷ USD) tới năm 2030 để trở thành công ty đúc chip số một toàn cầu. Nhiệm vụ cấp bách nhất là hoàn thiện kế hoạch xây dựng nhà máy chip thứ hai của công ty trị giá 17 tỷ USD, một quyết định không thể thực hiện nếu không có Lee. Các quan chức trong ngành cảnh báo rằng nếu Samsung bỏ lỡ cơ hội đầu tư kịp thời, sẽ không có cơ hội nào khác để bắt kịp TSMC .

TSMC , công ty kiểm soát 50% thị phần chip trên thế giới , vào tháng 4 đã cam kết đầu tư 100 tỷ USD trong ba năm tới và xây dựng sáu nhà máy chip ở Mỹ.

Intel cũng công bố chiến lược tái gia nhập thị trường gia công chip với kế hoạch mua lại công ty sản xuất chip bán dẫn lớn thứ 3 thế giới, GlobalFoundries, với giá 30 tỷ USD. Nếu bước đi đó thành công, các đối thủ lớn trong ngành chip toàn cầu sẽ thu hẹp xuống TSMC, Samsung Electronics và Intel.

Chip chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc và khoản đầu tư lớn của Samsung có thể phục hồi ngành công nghiệp chip trong nước. Các quan chức và người chuyên gia cho biết công ty cũng có thể hưởng lợi từ mạng lưới kinh doanh cá nhân của Lee để vượt qua cuộc cạnh tranh gay gắt về công nghệ, cũng như việc tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu do Mỹ và các nền kinh tế lớn khác thúc đẩy.

Vào tháng 10 năm ngoái, ông Lee đã gặp gỡ các giám đốc điều hành hàng đầu của ASML, nhà sản xuất thiết bị quang khắc hàng đầu thế giới, tại trụ sở công ty ở Eindhoven, Hà Lan. Trong cuộc họp, Lee đã thảo luận về việc phát triển công nghệ chip thế hệ tiếp theo với CEO của ASML Peter Wennink và Giám đốc Công nghệ ASML Martin van den Brink.

Việc Lee được ra tù trước thời hạn cũng sẽ đẩy nhanh kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất pin đầu tiên tại Mỹ của Samsung SDI. Vào ngày ân xá của Lee, Thượng nghị sĩ Illinois Dick Durbin cho biết đã thảo luận về việc đưa vào hoạt động một “cơ sở sản xuất pin lớn của Samsung” trong cuộc họp với các đại biểu Hàn Quốc vào tuần trước.

Durbin cho biết, trong khi quyết định vẫn chưa được hoàn tất, cơ sở này có thể nằm cạnh startup xe điện Rivian. Công ty khởi nghiệp này cho biết vào tháng 4 sẽ sử dụng pin xe điện từ Samsung SDI.

Cầu nối vaccine cho Hàn Quốc và Mỹ

Trên hết, ngành công nghiệp đang chú ý đến việc liệu Lee có thể một lần nữa trở thành “đại sứ vaccine” của Hàn Quốc hay không.

Vào ngày Lee được thả, Hàn Quốc đã cử một phái đoàn đến gặp đại diện của Moderna về sự chậm trễ trong việc vận chuyển vaccine. Trong tháng này, công ty vaccine Mỹ chỉ gửi chưa đến một nửa trong số 8,5 triệu liều đã cam kết. Trước đó, Lee cũng đã hành động như một cầu nối giữa chính phủ Hàn Quốc và Pfizer.

Chính phủ Hàn Quốc không có kênh liên lạc nào với lãnh đạo cao nhất của Pfizer cho đến đầu tháng 12, khi Lee sử dụng mối quan hệ cá nhân của mình và tìm kiếm sự giúp đỡ của Shantanu Narayen, Chủ tịch công ty phần mềm Adobe, người từng là giám đốc của Pfizer.

Lee và Narayen gặp nhau lần đầu tiên tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng ở Las Vegas vào năm 2011. Chủ tịch Adobe đã đến thăm Seoul để gặp Lee vào cuối năm đó và hai người đã duy trì mối quan hệ kể từ đó.

Theo truyền thông địa phương, vào tháng 12 năm ngoái, Lee đã đích thân gọi điện cho Narayen.

Phó chủ tịch Samsung đã được Chủ tịch Adobe giới thiệu với người đứng đầu bộ phận kinh doanh vaccine của Pfizer, cung cấp cho chính phủ Hàn Quốc cách thức khởi động các cuộc đàm phán với công ty Mỹ. Vào tháng 4, Seoul thông báo rằng đã đảm bảo đủ liều vaccine Pfizer bổ sung cho 20 triệu người.

Tin liên quan

  • ‘Thái tử Samsung’ được ân xá, ra tù vào thứ sáu 
  • ‘Thái tử Samsung’ có được ân xá?
  • “Thái tử” Samsung có chỉ đạo đầu tiên sau song sắt
  • Phó chủ tịch Samsung ra tù 


#Thế_giới_số
#hàn_quốc
#samsung
#seoul
#tsmc
#tập_đoàn_samsung
#lee_jae_yong
#ân_xá
#thái_tử_samsung
#phó_chủ_tịch_samsung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *