Người dùng phải chờ vài tuần khi mua laptop cũ

Một số người tìm mua laptop cũ cho con học online , nhưng chỉ nhận được máy sau hơn nửa tháng đặt mua.

“Tôi đặt hai máy tính xách tay cũ, giá 5,5 triệu đồng mỗi chiếc, tại một cửa hàng vi tính cùng quận từ 14/8, nhưng 15 ngày sau mới nhận được một chiếc. Bên cửa hàng nói giai đoạn này nhu cầu cao, nguồn hàng khó và hạn chế về giao hàng nên máy đến tay muộn”, anh Bằng, sống tại quận Gò Vấp (TP HCM), chia sẻ.

Người dùng phải chờ vài tuần khi mua laptop cũ - Hình 1

Một học sinh tiểu học dự khai giảng online hôm 5/9.

Video đang HOT

Không may mắn như anh Bằng, chị Nhật Vy (Dak Lak) cũng đặt hai laptop đã qua sử dụng với giá 4 triệu đồng từ một người quen chuyên buôn bán máy tính từ tháng 8, nhưng hiện vẫn chưa nhận được hàng dù hai con đã bắt đầu năm học mới.

“Người này nói phải đợi thêm do nguồn hàng không có, hoặc sẽ hoàn tiền cọc. Tôi đành phải đợi vì giờ rút lại cũng khó mua ở chỗ khác”, chị Vy cho biết.

Chuẩn bị cho năm học mới, nhu cầu về thiết bị phục vụ học online tăng mạnh. Tuy nhiên, không ít người thừa nhận việc phải sắm thiết bị học trực tuyến đang trở thành gánh nặng. Nhiều trong số đó cân nhắc mua các laptop đã qua sử dụng với giá rẻ hơn 20 – 40%. Tuy nhiên, việc tìm được máy phù hợp và có sẵn cũng không dễ dàng.

Trên một số hội nhóm về mua bán thiết bị trên mạng xã hội , nhiều người phản ánh tình trạng phải đợi vài tuần nhưng không được giao máy tính đúng lịch hẹn, kể cả khi đã đặt cọc 100% số tiền. Hầu hết các lý do được đưa ra là nguồn hàng khan hiếm, một số nơi vận chuyển hàng khó khăn.

Theo chủ một cửa hàng bán laptop cũ tại TP HCM, nhu cầu mua laptop cũ tăng cao trong khi nguồn cung bị hạn chế khiến mặt hàng này thường xuyên rơi vào tình trạng “cháy hàng”.

“Tháng 8 và tháng 9 hàng năm là giai đoạn người dùng đẩy mạnh mua sắm , chuẩn bị trang thiết bị cho mùa tựu trường. Tuy vậy, năm nay nguồn cung gần như bị tê liệt. Chúng tôi chỉ có thể bán hàng tồn kho và một số nguồn riêng lẻ với số lượng nhỏ giọt, gần có chiếc nào là bán nhanh chiếc đó”, người này chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương giãn cách chống dịch khiến việc chuyển hàng cũng chậm hơn nhiều so với thông thường. “Ngay cả khi có hàng, chúng tôi vẫn phải đợi đến khi được phép đi giao”, người này cho biết thêm.

Ngoài việc mua bán khó khăn, vấn đề chất lượng sản phẩm cũng khiến người mua đau đầu vì không phải laptop nào cũng hoạt động ổn. Anh Bằng cho biết, chiếc máy tính mà anh nhận được hoạt động chậm, đồng thời hai phím “W” và “Esc” hoạt động lúc được lúc không.

Những người khác cũng gặp phải tình trạng tương tự. Trên mạng xã hội , một số người cho biết sản phẩm nhận về không như mong đợi, như ngoại hình trầy xước, cổng kết nối không hoạt động, màn hình có những vệt sáng, đốm nhỏ bất thường, máy chậm hoặc thậm chí là giao không đúng cấu hình. Một số trường hợp khác phàn nàn về lỗi về âm thanh, kết nối Wi-Fi yếu hoặc pin tụt nhanh.

“Việc đổi trả thật sự khó khăn do dịch bệnh. Bên bán cũng hứa hẹn sẽ hỗ trợ khi qua dịch, nhưng không biết đến khi nào”, anh Bằng nói. “Tôi đành để con học tạm với chiếc laptop này, kết hợp với chiếc máy tính mà tôi đang dùng để làm việc”.

Phan Vinh, có gần 7 năm buôn bán máy tính cũ tại TP HCM, cho biết laptop đã qua sử dụng đến từ nhiều nguồn, do đó chất lượng tùy thuộc vào nơi bán và cái “tâm” của người bán. “Đa phần laptop cũ được nhập về từ nước ngoài theo container, chủ yếu là Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ, về Việt Nam dưới dạng rác thải điện tử”, anh Vinh tiết lộ. “Chúng thường được dọn lại, sửa chữa hoặc thay mới linh kiện trước khi bán ra, do đó chất lượng rất hên xui”.

Một số nguồn nhập laptop cũ được các cửa hàng thu mua về dưới dạng hàng của cá nhân hoặc một số công ty trong nước thanh lý máy. Tuy vậy, nguồn này không nhiều và giá bán cũng cao hơn so với những thiết bị đã được “tân trang” lại từ nước ngoài.

Theo Văn Bình, một kỹ thuật viên sửa chữa máy tính tại TP HCM, do đặc thù laptop cũ là hàng đã qua sử dụng, người mua nên chọn các địa chỉ bán laptop cũ uy tín và đã được cộng đồng đánh giá tốt. Bên cạnh đó, họ cũng cần xem xét chính sách về thời gian bảo hành của nơi bán, cũng như việc đổi trả hoặc sửa chữa trong trường hợp hỏng hóc.

Trong trường hợp không thể đến tận cửa hàng hoặc người bán để xem kỹ sản phẩm do giãn cách xã hội, anh Bình cho rằng người mua vẫn có thể kiểm tra thông số của máy từ xa, thông qua phần mềm như TeamViewer. Chẳng hạn, họ có thể xem cấu hình máy với CPU-Z, kiểm tra khả năng hoạt động của camera với website Webcamtest hay kiểm tra lỗi bàn phím với Key-Test.

“Nếu thấy máy quá rẻ so với mặt bằng chung, người bán không có địa chỉ cố định, sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau, tuyệt đối không nên mua”, anh Bình khuyến cáo.

Tin liên quan

  • Mua laptop cũ để học online cần lưu ý gì 
  • Mua laptop “doanh nhân” cũ để work from home, tôi đã nhận được gì? 
  • Dưới 15 triệu đồng, học sinh, sinh viên nên mua laptop nào?
  • Trải nghiệm ASUS ZenBook UX325: Nâng cấp lên màn hình OLED khiến chiếc máy đáng từng xu


#Đồ_2_Tek
#laptop
#học_online
#học_trực_tuyến
#máy_tính_xách_tay
#cấu_hình_máy
#làm_việc_tại_nhà
#laptop_cũ
#khai_giảng_online
#mua_laptop_cũ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *