Bảo vệ dữ liệu cá nhân là yêu cầu tất yếu


Quang cảnh tọa đàm
Đây là thông tin được chia sẻ tại Tọa đàm chuyên đề “Đánh giá việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trên các nền tảng tương tác với người dân của chính quyền địa phương” do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cùng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) phối hợp tổ chức ngày 28.6, tại Hà Nội.
Cần chú trọng bảo vệ dữ liệu cá nhân
Khi quá trình chuyển đổi số của khu vực công được đẩy mạnh, một lượng lớn dữ liệu về thông tin cá nhân đang được thu thập trực tuyến thông qua cổng dịch vụ hành chính công, cổng chính quyền điện tử và các ứng dụng thông minh được sử dụng tại chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, việc bảo đảm quyền riêng tư của người dùng và dữ liệu cá nhân trên các nền tảng này vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mức.
Tại Tọa đàm các chuyên gia nhận định, nhận thức và sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với cho vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trên các nền tảng tương tác với người dân của chính quyền địa phương vẫn ở mức rất hạn chế. Vẫn còn nhiều lỗ hổng trong các chính sách đó khi so sánh với các quy định pháp luật hiện hành và thông lệ quốc tế. Do đó, vẫn thiếu căn cứ để người dân bảo vệ các quyền đối với dữ liệu của họ khi có sự cố hay tranh chấp xảy ra.

Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam Nguyễn Lâm Thanh phát biểu tại tọa đàm
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam Nguyễn Lâm Thanh cho rằng, bảo vệ dữ liệu cá nhân trên môi trường số nói chung và trong các nền tảng tương tác giữa chính quyền với người dân nói riêng sẽ giúp củng cố niềm tin của người dân và thúc đẩy họ tham gia quá trình chuyển đổi số.
Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Patrick Haverman cũng chia sẻ, những năm qua, Chính phủ và các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến, quá trình chuyển đổi số nhanh ở Việt Nam diễn ra khá nhanh. Đặc biệt, dịch Covid-19 khiến người dân tương tác trên môi trường số nhiều hơn. Tuy vậy, kết quả khảo sát hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam (PAPI) trong hai năm 2020 và 2021 cho thấy mới chỉ có 3,5% số người được hỏi cho biết họ đã sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia.

Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Patrick Haverman phát biểu tại tọa đàm
“Thực hành tốt về bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân trong khu vực công là một trong những yếu tố then chốt để tạo dựng niềm tin của người dân về dịch vụ công trực tuyến,…Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, để chuyển đổi số thành công, phải bảo đảm các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân theo tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc như: Công bằng và hợp pháp trong xử lý dữ liệu cá nhân; Làm rõ mục đích thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân; Tương xứng và cần thiết; Lưu trữ dữ liệu cá nhân; Minh bạch; Trách nhiệm giải trình”, ông Haverman nhấn mạnh.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, phần lớn các địa phương chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ví dụ, dù pháp luật quy định các tỉnh phải công khai thông tin về đầu mối liên hệ về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Hầu hết các tỉnh mới có yêu cầu xác nhận những thông tin họ cung cấp là chính xác mà chưa có công cụ để người dùng lựa chọn bảo vệ quyền riêng tư của họ. Không có một nền tảng tương tác nào giữa chính quyền và người dân đáp ứng đầy đủ yêu cầu của pháp luật Việt Nam về quyền riêng tư trên môi trường số.

Chuyên viên Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông Tống Khánh Linh
“Hiện nay, chỉ có 4/63 cổng thông tin điện tử cấp tỉnh (Hà Nội, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế, Bình Định) và 3/63 cổng dịch vụ điện tử công (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Gia Lai) đã ban hành quy chế của chính quyền địa phương về bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư theo quy định của Nhà nước về vấn đề này. Trong số 50 tỉnh sử dụng để tương tác với công dân thì có 32 tỉnh đã đăng các chính sách về bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyên riêng tư theo yêu cầu Google play và Apple Store. 17/50 ứng dụng thông minh hỗ trợ tương tác chính quyền và người dân”, Chuyên viên Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông Tống Khánh Linh cho biết.
Khi nhóm nghiên cứu thực hiện kiểm tra “thử” yêu cầu cập nhật thông tin tài khoản và tiếp cận các phương thức bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được chính quyền địa phương phát triển, (dùng “tạm” đầu mối liên hệ hiển thị trên trang chủ các cổng dịch vụ công trực tuyến và cổng thông tin điện tử), trong số 130 thư điện tử được gửi, chỉ có 9 thư được thông tin phản hồi…
Hiểu rõ về trách nhiệm chủ thể quản lý dữ liệu
Tại Tọa đàm, các chuyên ra cũng nêu rõ, việc hiểu sai và phân định sai trách nhiệm pháp lý của các chủ thể quản lý dữ liệu là một trong những vấn đề đáng quan ngại nhất. Cụ thể, trách nhiệm pháp lý đối với dữ liệu cá nhân bị lẫn lộn giữa “cơ quan chủ quản” (Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố), “cơ quan/đơn vị vận hành” (Sở Thông tin và Truyền thông) và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xây dựng nền tảng. Nếu không phân định đúng vai trò, chức năng của các cơ quan này thì thiết kế và thực thi quy trình bảo vệ dữ liệu sẽ thiếu hiệu quả. Mặt khác, khi có vấn đề, sự cố xảy ra, sẽ không có căn cứ để xác định chủ thể chịu trách nhiệm.
Báo cáo tại Tọa đàm cũng đưa ra một số khuyến nghị phù hợp về mặt chính sách, pháp luật và thực thi pháp luật đối với các cơ quan hữu quan ở trung ương và địa phương nhằm cải thiện việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trên các nền tảng tương tác giữa chính quyền và người dân. Về mặt thực tiễn ngắn hạn, cần thường xuyên đánh giá việc thực thi các quyền đối với dữ liệu cá nhân của người dân trên các nền tảng tương tác giữa chính quyền địa phương với người dân; đồng thời bổ sung các tiêu chí đánh giá bảo vệ dữ liệu cá nhân vào Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia (DTI). Bộ Thông tin và Truyền thông cần xây dựng hướng dẫn quốc gia về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong khu vực công; và ban hành quy chế mẫu về chính sách quyền riêng tư cho các nền tảng trực tuyến.
Chia sẻ những khuyến nghị từ thực tế địa phương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Dương Anh, cho rằng bảo vệ dữ liệu cá nhân là yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin của người dân vào chính quyền điện tử. “Ví dụ, ứng dụng phản ánh hiện trường – một thành phần của ứng dụng dịch vụ đô thị thông minh (Hue-S) – đã tiếp nhận hơn 50.000 phản ánh của người dân từ năm 2021 đến nay. Kết quả này là nhờ chúng tôi bảo mật tuyệt đối thông tin về người phản ánh theo quy chế vận hành, khai thác dữ liệu cá nhân tỉnh đã ban hành”.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự – hành chính (Bộ Tư Pháp) Nguyễn Thị Kim Thoa
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự – hành chính (Bộ Tư Pháp) Nguyễn Thị Kim Thoa khuyến nghị, chúng ta vẫn thiếu các cơ sở pháp luật để hiểu về bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư. Vì vậy, trước bối cảnh số hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực thời gian tới cần tăng cường độ minh bạch và mức độ bảo vệ dữ liệu cá nhân ở các cổng diện tử công, cổng dịch vụ hành chính công và các dịch vụ số,… Quốc hội cần tạo ra một cơ hành lang pháp lý đủ mạnh, chi tiết để các cơ quan Nhà nước thực hiện chức năng quản lý và người dân yên tâm hơn.
Đức Hiệp

Nguồn: https://ift.tt/iGq8cds Từ khóa, Tags: #UNDP #Nguyễn_Dương_Anh #cơ_quan_nhà_nước #bảo_vệ #trách_nhiệm_pháp_lý #tọa_đàm #chủ_thể #chưa_công_bố #Nguyễn_Thị_Kim_Thoa #điện_tử #dữ_liệu #đại_diện_thường_trú #tương_tác #Vụ_Pháp_luật_hình_sự #tất_yếu #cổng_thông_tin #riêng_tư #cá_nhân #Patrick_Haverman #Nguyễn_Lâm_Thanh

The post Bảo vệ dữ liệu cá nhân là yêu cầu tất yếu first appeared on Tin tức công nghệ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *