Đâu là cơ may phi thường của Bill Gates, Steve Jobs?

Đ𝐚̂𝐮 𝐥𝐚̀ 𝐜𝐨̛ 𝐦𝐚𝐲 𝐩𝐡𝐢 𝐭𝐡𝐮̛𝐨̛̀𝐧𝐠 𝐜𝐮̉𝐚 𝐁𝐢𝐥𝐥 𝐆𝐚𝐭𝐞𝐬, 𝐒𝐭𝐞𝐯𝐞 𝐉𝐨𝐛𝐬?

Ngoài việc chăm chỉ làm việc, nỗ lực luyện tập, còn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới khả năng thành công của một người.

Còn rất nhiều thứ khác đóng góp vào thành công của một người xuất chúng ngoài 10.000 giờ luyện tập, những thứ như là… lợi thế về tháng, năm sinh, hoặc môi trường hồi nhỏ mà bạn sống.

Nếu tập hợp những câu chuyện của các tuyển thủ khúc côn cầu, ban nhạc Beatles cùng Bill Joy cũng như Bill Gates lại với nhau, tôi nghĩ chúng ta sẽ có được bức tranh hoàn thiện hơn về con đường dẫn tới thành công. Joy và Gates và ban nhạc The Beatles đều tài giỏi không chê vào đâu được.

Lennon và McCartney sở hữu tài năng âm nhạc có lẽ chỉ xuất hiện độc nhất trong cả một thế hệ. Còn Bill Joy, chúng ta đừng quên, đó là người có trí não nhanh nhạy đến mức có thể dựng được một thuật toán phức tạp về lịch trình bay khiến các vị giáo sư phải kinh ngạc.

Nhưng điều thực sự làm nên lịch sử khác biệt của họ không phải tài năng phi phàm mà là những cơ may phi thường của họ. Vì những nguyên cớ ngẫu nhiên nhất, ban nhạc The Beatles đã được mời tới Hamburg. Nếu không có khoảng thời gian ở Hamburg, The Beatles rất có thể đã đi theo một con đường khác hẳn.

Nếu không có hàng trăm giờ chơi nhạc tại Hamburg, có lẽ con đường của The Beatles đã khác. Ảnh: BristishGQ.

Lợi thế tiềm ẩn về năm sinh

Tất cả những nhân vật xuất chúng mà chúng ta quan sát cho đến bây giờ đều là những người hưởng lợi từ một vài cơ hội bất thường nào đó. Những cơ duyên may mắn dường như không phải là thứ gì ngoại lệ đối với các tỷ phú phần mềm và các ban nhạc rock hay các vận động viên ngôi sao.

Chúng dường như giống một kiểu quy luật. Vào những năm 1860 và 1870, nền kinh tế Mỹ trải qua một cuộc chuyển đổi có lẽ là vĩ đại nhất trong lịch sử. Đây chính là thời điểm các tuyến đường sắt được xây dựng và thị trường Phố Wall nổi lên.

Đó là thời điểm ngành sản xuất công nghiệp khởi đầu. Đó là thời điểm tất cả những quy luật chi phối nền kinh tế truyền thống bị phá vỡ và được sáng tạo lại. Điều mà bản danh sách này nói lên chính là việc bạn bao nhiêu tuổi vào thời điểm cuộc chuyển đổi này xảy ra có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Nếu bạn sinh ra vào cuối thập niên 1840, bạn đã để lỡ cơ may. Bạn còn quá trẻ để tận dụng được khoảnh khắc ấy. Nếu bạn sinh ra vào những năm 1820, bạn lại quá già: Đầu óc của bạn đã bị định hình bởi mô thức tiền-Nội-chiến-Mỹ.

Nhưng lại có một khung cửa chín-năm đặc biệt, nhỏ hẹp vừa vặn hoàn hảo để quan sát thấy những tiềm năng mà tương lai mang tới.

“Bill Gates: 28/10/1955”.

Đó là một ngày sinh hoàn hảo! Gates chính là kiểu vận động viên khúc côn cầu sinh đúng vào mùng 1 tháng giêng. Bạn thân nhất của Gates ở trường Lakeside là Paul Allen.

Paul cũng thường xuyên lui tới phòng máy tính với Gates và trải qua những buổi tối đằng đẵng cùng Gates tại ISI và C-Cubed. Allen sau đó tiếp tục cùng Bill Gates sáng lập nên Microsoft. Vậy Paul Allen sinh năm nào?

“Paul Allen: 21/1/1953”.

Tiện đây, cũng đừng quên mất Bill Joy. Nếu như ông nhiều tuổi hơn một chút và nếu như ông phải đối mặt với sự vất vả cực nhọc của việc lập trình với những thẻ máy tính, như lời ông nói, thì ông đã chuyển sang nghiên cứu khoa học.

Bill Joy – huyền thoại máy tính có thể đã trở thành Bill Joy – nhà sinh học. Và nếu Bill Joy trưởng thành muộn mất vài năm, cánh cửa nhỏ hẹp vốn mang lại cho ông cơ hội viết mã hỗ trợ cho Internet đã đóng sập mất rồi. Xin nhắc lại, huyền thoại máy tính Bill Joy có thể đã phải là nhà sinh học Bill Joy. Vậy Bill Joy ra đời khi nào?

“Bill Joy: 8/11/1954”.

Sau công việc ở Berkeley, Joy sẽ tiếp tục trở thành một trong bốn người sáng lập hãng Sun Microsystems, một trong những tập đoàn phần mềm kỳ cựu và quan trọng bậc nhất Thung lũng Silicon.

Và nếu bạn vẫn khăng khăng nghĩ rằng sự tình cờ về thời điểm, nơi chốn và năm sinh không quan trọng đến thế, thì đây là ngày sinh của ba sáng lập viên còn lại hãng Sun Microsystems:

“Scott McNealy: 13/11/1954”.

“Vinod Khosla: 28/1/1955”.

“Andy Bechtolsheim: 30/9/1955” .

Lợi thế về môi trường trưởng thành

Và cũng đừng quên một người nổi tiếng không thua kém chút nào so với Gates: Steve Jobs, đồng sáng lập hãng Máy tính Apple.

Không giống như Gates, Jobs không xuất thân từ một gia đình giàu có và ông cũng không đặt chân tới trường Michigan như Joy.

Nhưng cũng chẳng cần phải điều tra nhiều về quá trình sinh trưởng của Jobs để nhận ra rằng ông cũng đã có một quá trình “Hamburg” của riêng mình. Jobs lớn lên ở vùng Mountain View – vị trí tuyệt đối trung tâm của Thung lũng Silicon.

Láng giềng quanh ông toàn là các kỹ sư của hãng Hewlett-Packard, cho đến ngày nay vẫn là một trong những hãng điện tử quan trọng bậc nhất trên thế giới.

Bill Gates và Paul Allen là những người sáng lập nên Microsoft. Ảnh: CNBC.

Khi còn là một thiếu niên, Jobs đã lượn vòng vòng quanh các khu chợ trời ở Mountain View, nơi những kẻ yêu thích và thành thạo thiết bị điện tử mua đi bán lại các linh kiện rời. Khi ấy Jobs đã đủ lớn để hít thở bầu không khí của chính lĩnh vực làm ăn mà sau này ông sẽ thống trị.

Đoạn văn dưới đây được trích từ cuốn Accidental Millionaire (tạm dịch: Nhà triệu phú tình cờ), một cuốn tiểu sử về Jobs, sẽ khiến độc giả cảm nhận được những trải nghiệm thời thơ ấu của Jobs phi thường đến cỡ nào.

“Tham dự các cuộc nói chuyện buổi tối của những nhà khoa học hãng Hewlett-Packard. Các buổi chuyện trò ấy nói về những thành tựu tiên tiến nhất trong lĩnh vực điện tử còn Jobs thì thể hiện một kiểu vốn là đặc điểm khác biệt trong tính cách của mình, bám riết lấy các kỹ sư Hewlett-Packard và moi móc thông tin từ họ.

Có lần cậu thậm chí còn gọi cả Bill Hewlett – một trong những nhà sáng lập của hãng để vòi vĩnh linh kiện. Jobs không chỉ nhận được những linh kiện cậu cần mà còn thành công trong việc xin được một việc làm thêm mùa hè. Jobs làm việc trên một dây chuyền lắp ráp để dựng các máy tính, cậu hào hứng tới mức còn cố gắng thiết kế kiểu máy tính của riêng mình…”.

Bill Hewlett đưa cho Jobs các linh kiện rời? Điều đó có tầm vóc tương đương với việc Bill Gates được tiếp cận vô thời hạn vào hệ thống đầu cuối thao tác đồng thời hồi 13 tuổi.

Nó cũng giống như việc giả sử bạn yêu thích thời trang mà người láng giềng trong những năm tháng bạn trưởng thành tình cờ làm sao lại chính là ông hoàng thời trang Giorgio Armani. Mà Jobs sinh vào thời gian nào nhỉ?

“Steve Jobs: 24/2/1955”.

Dĩ nhiên, tôi không có ý gợi ra rằng mọi ông trùm phần mềm ở Thung lũng Silicon đều sinh năm 1955. Vài người không như thế, cũng giống như không phải tất cả những doanh nhân vĩ đại ở nước Mỹ đều sinh ra vào giữa thập niên 1830.

Nhưng có những hình mẫu rất rõ ràng ở đây, và điều đáng chú ý là việc dường như chúng ta ít muốn thừa nhận chúng. Chúng ta vờ rằng thành công chỉ riêng rẽ là chuyện của công trạng cá nhân. Nhưng chẳng có gì trong số những đoạn tiểu sử chúng ta theo dõi từ đầu tới giờ lại nói lên rằng mọi thứ chỉ đơn giản có vậy.

Thay vào đó, đều là câu chuyện về những con người được trao tặng một cơ hội vàng để làm việc chăm chỉ thực sự và nắm chặt lấy nó, và đó cũng là những người tình cờ đủ trưởng thành vào thời điểm mà nỗ lực phi thường ấy được toàn bộ xã hội tưởng thưởng.

Thành công của họ không chỉ là kết quả từ việc tự mình gây dựng. Nó là sản phẩm của cả thế giới trong đó họ sinh ra và lớn lên.

Trích “Những kẻ xuất chúng”

Nguồn:

#Bill_Gates #GATES #Bill_Joy #microsoft #cơ_may #Steve_Jobs #phi_thường #The_Beatles #JOY #đồng_sáng_lập #Paul_Allen #khúc_côn_cầu #hamburg #luyện_tập #ban_nhạc #chăm_chỉ #sun_microsystems #xuất_chúng #phi_phàm #nguyên_cớ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *