Dịch chuyển chuỗi sản xuất, Apple tìm kiếm gì và Việt Nam nên làm gì để trở thành ‘bến đỗ’?

Foxconn, nhà sản xuất linh kiện lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp chính của Apple, có một cơ sở ở tỉnh Bắc Ninh để sản xuất cho Apple. (Nguồn: Vietnaminsider)

Mới đây, đài BBC dẫn ý kiến các chuyên gia nước ngoài nhận định về những điều Việt Nam có thể làm để thu hút các tập đoàn như Apple.

Apple đang tìm kiếm điều gì?

Đang có nhiều đồn đoán và mong chờ về khả năng tập đoàn Apple của Mỹ có thể mở nhà máy ở Việt Nam, trong làn sóng các công ty nước ngoài chuyển dịch một phần nhà xưởng khỏi Trung Quốc. Trang tuyển dụng của Apple đăng tin tuyển dụng ít nhất 11 vị trí ở Việt Nam, làm dấy lên câu hỏi có phải công ty nổi tiếng với iPhone, iPad đang muốn cho lắp ráp hàng tại Việt Nam hay không.

Các đánh giá ở Việt Nam tới nay nói chung dè dặt về viễn cảnh này. Trong kế hoạch dịch chuyển của các tập đoàn, Việt Nam cũng không phải là cái tên được nhắc tới duy nhất. Mới đây, báo chí nước ngoài cũng đưa tin Apple đang cân nhắc chuyển một số hoạt động sản xuất sang Ấn Độ.

Tiến sĩ Michael Murphree, Trường Kinh doanh Darla Moore thuộc Đại học South Carolina (Mỹ) nói về những điều mà Apple tìm kiếm nếu dịch chuyển chuỗi sản xuất: “Apple sẽ tìm kiếm nơi sản xuất chất lượng cao, đáng tin cậy, ổn định. Chi phí lao động rẻ là một yếu tố nhưng quan ngại lớn nhất của Apple là khả năng sản xuất được số lượng lớn theo yêu cầu. Điều này có nghĩa là Apple, hay đúng hơn là đối tác sản xuất của Apple, cần khả năng tiếp cận với mọi linh kiện cần thiết để làm các sản phẩm như tai nghe Airpods và khả năng sản xuất có thể tăng quy mô theo nhu cầu. Điều này lại liên quan việc tiếp cận lực lượng lao động, vốn sản xuất và các kỹ sư”.

Trong khi đó, Giáo sư về kinh doanh quốc tế Peter Enderwick thuộc Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand) cho rằng các hãng như Apple đang cần đa dạng hóa nơi sản xuất trong bối cảnh danh tiếng của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng xấu và Trung Quốc đang vấp phải hạn chế thương mại từ Chính phủ của Tổng thống Donald Trump: “Apple đang được thúc giục đưa sản xuất về lại Mỹ. Lời kêu gọi này ngây thơ vì khả năng thay thế giữa Trung Quốc và quê nhà Mỹ rất thấp. Nhưng với Apple, một cách họ có thể phản biện là giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Điều này sẽ khiến châu Á ngày càng trở nên hấp dẫn cho các sản phẩm điện tử tiêu dùng”.

Vị Giáo sư này cũng nhận định, mọi bước đi chuyển dịch của Apple và các đối tác sản xuất phải là chiến lược lâu dài. “Vì thế, nếu các sản phẩm ban đầu thành công, thì các sản phẩm tiếp theo, phức tạp hơn, sẽ theo sau”, ông Enderwick nhấn mạnh.

Việt Nam cần làm gì?

Nhiều chuyên gia ở Việt Nam đang hy vọng, sắp tới, làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài sẽ diễn ra nhanh hơn ở Việt Nam. Tuy nhiên, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright ở TP. Hồ Chí Minh, cảnh báo: “Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã nỗ lực hết sức để cải thiện những điểm này và đạt được một số thành công nhất định nhưng vẫn còn xa mức kỳ vọng. Trong giai đoạn sắp tới, đặc biệt là trong năm nay, Chính phủ nên tập trung cao nhất cho đầu tư cơ sở hạ tầng, vừa giúp khởi động lại và kích thích nền kinh tế, vừa giúp tạo công ăn việc làm, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho toàn nền kinh tế”.

Trong khi đó, Giáo sư Peter Enderwick nêu quan điểm, với các tập đoàn như Apple, chiến lược lâu dài của họ có thể gọi là “Trung Quốc+1”, với hai nơi sản xuất bổ sung cho nhau: “Chiến lược này giúp giảm bớt rủi ro, củng cố bền vững cho chuỗi cung ứng sau khi các sự kiện gần đây chứng minh rằng việc quá phụ thuộc sẽ dẫn tới dễ bị tổn thương. Trung Quốc sẽ tiếp tục là trung tâm sản xuất quan trọng, đặc biệt là cho các sản phẩm điện tử phức tạp”.

Một đoạn cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. (Nguồn: BĐT)

Với Việt Nam, Giáo sư Peter Enderwick lưu ý các hãng toàn cầu như Apple không đi tìm chi phí lao động rẻ nhất: “Họ muốn môi trường kinh tế, chính trị ổn định. Họ muốn xây dựng cơ sở cung ứng với nguồn lao động và giá đất chấp nhận được. Trong đa số trường hợp, các hãng lớn như Apple sẽ muốn đối tác sản xuất của họ dịch chuyển trước. Ví dụ, Foxconn, nhà cung ứng chính của Apple, đã hoạt động ở Việt Nam và cũng dự định mở rộng ở Ấn Độ.

Họ muốn dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa cả nội bộ và bên ngoài hiệu quả để vận chuyển linh kiện và thành phẩm. Ở điểm này, Việt Nam có lợi thế vì gần với các nhà cung ứng linh kiện, lại là thành viên của các hiệp định thương mại tự do.

Họ muốn môi trường kinh doanh có tính hỗ trợ, đặc biệt trong vấn đề hợp đồng, bảo vệ sở hữu trí tuệ và thuê dịch vụ bên ngoài”.

Cả hai chuyên gia đều nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam không nên quá chú trọng tới ưu đãi tài chính, mà cần quan tâm các ưu đãi khác cho các hãng nước ngoài.

Tiến sĩ Michael Murphree chia sẻ: “Để hỗ trợ phát triển lâu dài cho ngành sản xuất điện tử hướng tới xuất khẩu, Việt Nam cần tập trung xây dựng hệ sinh thái của các công ty cung ứng và hỗ trợ. Việc này sẽ giúp thu hút các nhà sản xuất”.

Giáo sư Peter Enderwick nhận định, các hãng nước ngoài mong đợi về tiếp cận đất đai và đào tạo nhân lực. Ngoài ra còn bao gồm cả nâng cấp dịch vụ công như y tế, giáo dục, tính sáng tạo. Việt Nam cũng cần đầu tư cho cơ sở hạ tầng, không chỉ là đường sá mà cả kỹ thuật số. Nếu Việt Nam có thể lập cơ chế đánh giá những khó khăn, thách thức sau khi đã đầu tư, đó cũng là yếu tố giúp Việt Nam trở nên khác biệt so với nhiều nước khác.

Dương Liễu

(theo TTXVN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *