Mỹ phản đối dự luật đánh thuế công nghệ của Úc

Mỹ phản đối dự luật đánh thuế công nghệ của Úc

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) chỉ trích Úc vì dự luật đánh thuế Google và Facebook.

Cũng như một số quốc gia châu Âu khác, Australia đã chuẩn bị dự thảo bộ quy tắc bắt buộc Google và Facebook trả tiền cho việc sử dụng nội dung tin tức của các tổ chức truyền thông nước sở tại.

Úc định đánh thuế các công ty sử dụng nội dung thông tin từ các hãng truyền thông sở tại.

Theo Bộ quy tắc này, nếu không đạt được thỏa thuận về số tiền phải trả cho các tổ chức truyền thông Australia, các công ty công nghệ Mỹ sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 10 triệu AUD (7,5 triệu USD).

Nếu một nền tảng hoặc một doanh nghiệp tin tức không nhất trí được về giá của sản phẩm tin tức sau 3 tháng thương lượng, nhà chức trách sẽ thành lập một ủy ban phân xử gồm 3 thành viên, có trách nhiệm đưa ra quyết định mang tính ràng buộc về việc trả tiền trong ít nhất 2 năm.

Ủy ban này, mang tính độc lập, sẽ chọn lựa biện pháp tốt nhất, song việc trả tiền chỉ theo một hướng, đó là từ các nền tảng kỹ thuật số sang các doanh nghiệp truyền thông tin tức truyền thống.

Dự thảo không chỉ rõ cách thức thực hiện thanh toán. Nền tảng kỹ thuật số và doanh nghiệp truyền thông có thể nhất trí về việc thanh toán một lần hoặc thường xuyên dựa trên lượng thông tin được sử dụng. Facebook và Google cho biết sẽ nghiên cứu kỹ về dự thảo trước khi đưa ra bình luận.

Trong bức thư gửi Thượng viện Australia, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho rằng dự thảo bộ quy tắc của Australia “được soạn thảo một cách mơ hồ và khó hiểu”, và nếu được đưa vào thực hiện có thể gây “hậu quả tiêu cực” cho các công ty của Mỹ và Australia, cũng như người tiêu dùng nước này.

USTR bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về cả quy trình quản lý của Australia và nội dung của bộ quy tắc, trong đó có quy định trao cho một bộ trưởng “quyền hạn rộng rãi” trong việc xác định một công ty nhất định cũng như các dịch vụ cụ thể của công ty này phải tuân thủ “bộ quy tắc nặng nề, mang tính áp đặt cao”.

Bức thư gửi Thượng viện Australia cũng nhấn mạnh bộ quy tắc này được soạn thảo chỉ để nhằm vào hai công ty Mỹ là Google và Facebook.

Do vậy, USTR kêu gọi Chính phủ Australia tạm dừng kế hoạch ban hành Bộ quy tắc trên và quay trở lại với việc ban hành một bộ quy tắc ứng xử tự nguyện với các quy định có mục tiêu phù hợp, được soạn thảo minh bạch với sự tham gia của tất cả các bên liên quan.

Trong tuyên bố vào tối 18/1, Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg khẳng định Chính phủ Australia cam kết triển khai một quy tắc bắt buộc nhằm đạt mục tiêu đề ra là “giải quyết tình trạng mất cân bằng trong quyền thương lượng” giữa các nền tảng kỹ thuật số và các công ty truyền thông.

Ông nhấn mạnh bộ quy tắc là kết quả của quá trình đánh giá kéo dài 18 tháng của Ủy ban Cạnh tranh và Người Tiêu dùng Australia (ACCC), cũng như các cuộc tham vấn sâu rộng với các bên liên quan, bao gồm cả Google và Facebook.

Cho đến nay, cả Google và Facebook vẫn bày tỏ ý kiến phản đối mạnh mẽ bộ quy tắc đã được sửa đổi. Google đã đe dọa sẽ rút khỏi Australia nếu bộ quy tắc được thông qua, trong khi Facebook cảnh báo sẽ cấm chia sẻ tin tức trên nền tảng của mình.

Được biết, các giám đốc điều hành của Google, Facebook và các công ty truyền thông Australia sẽ tham gia một cuộc họp với một Ủy ban Thượng viện Australia vào ngày 22/1 tới để tiếp tục trình bày ý kiến về dự thảo bộ quy tắc.

Dự thảo bộ quy tắc trên của Australia được đưa ra trong bối cảnh các phương tiện truyền thông trên thế giới đang ngày càng chịu sức ép trong nền kinh tế số hóa với doanh thu quảng cáo bị áp đảo bởi các ông lớn công nghệ như Facebook hay Google.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng trong ngành truyền thông càng trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, với hàng chục tờ báo đóng cửa và hàng trăm nhà báo mất việc trong những tháng gần đây tại Australia.

Chính phủ Australia lâu nay vẫn quan ngại việc Google đang nắm giữ 53% doanh thu quảng cáo trên mạng, trong khi Facebook chiếm tới 28%, song lại không trả tiền sử dụng thông tin mà các nền tảng này chia sẻ với người dùng.

Do đó, người đứng đầu Tập đoàn News Corp Australia – một trong những tổ chức truyền thông lớn nhất nước này, đã lên tiếng hoan nghênh dự thảo Bộ quy tắc trên, coi đây là bước đi quan trọng hướng tới sự công bằng.

Hải Lâm

Nguồn:

#USTR #Thượng_viện_Australia #đánh_thuế #quy_tắc #Chính_phủ_Australia #dự_luật #australia #google #ACCC #Josh_Frydenberg #bức_thư #công_ty_truyền_thông #soạn_thảo #mơ_hồ #facebook #tin_tức #phản_đối #dự_thảo #thương_lượng #tiêu_cực

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *