Nhiều giải pháp phục hồi ngành du lịch trong bối cảnh phát triển mới

Nhiều giải pháp phục hồi ngành du lịch trong bối cảnh phát triển mới

Đưa ra các giải pháp cung cấp dữ liệu, thông tin chuyên sâu về ngành du lịch, cung cấp các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn an toàn cho du lịch, liên kết các tỉnh thành trong phát triển sản phẩm du lịch… nhằm giúp ngành du lịch lập kế hoạch cho giai đoạn phục hồi, phát triển phía trước.

Nhiều công cụ hỗ trợ hồi phục ngành du lịch

Bà Trâm Nguyễn – Giám đốc Quốc gia Google Việt Nam, Lào và Campuchia – cho biết: Ngành du lịch toàn cầu đã bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng ta đang thấy một số điểm sáng xuất hiện như việc các chuyến bay nội địa ngày càng tăng ở nhiều quốc gia và chính phủ các nước đang tìm kiếm cách mở cửa du lịch quốc tế an toàn. Bên cạnh đó, việc xây dựng nguồn dữ liệu, thông tin về nhu cầu khách hàng rất quan trọng để giúp ngành du lịch nói chung và các công ty lữ hành nói riêng lên kế hoạch xây dựng các sản phẩm, kế hoạch phát triển cụ thể, phù hợp với bối cảnh mới.

Ngành du lịch đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm phục hồi sau đại dịch

Cụ thể hóa các nhu cầu này, Google đã tạo ra 3 công cụ hữu ích. Đó là công cụ Destination Insights, cung cấp một bức tranh rõ nét nguồn tìm kiếm về nhu cầu du lịch cho từng điểm đến, cũng như các địa điểm du lịch trong nước mà du khách quan tâm nhất. Công cụ này hỗ trợ ngành du lịch vạch ra lộ trình khả thi cho sự hồi phục với những tuyến du lịch cụ thể và lựa chọn điểm du lịch phù hợp để lên kế hoạch truyền thông cho đối tượng du khách tiềm năng trong tương lai.

Hay Hotel Insights được thiết kế để giúp các khách sạn thuộc mọi quy mô, đặc biệt là các khách sạn nhỏ và độc lập hiểu được nhu cầu của khách hàng của mình đến từ phân khúc hay thị trường nào và cách đặt mục tiêu tiếp thị khi lập kế hoạch phục hồi.

Với công cụ, Travel Analytics Center sẽ dành cho các đối tác thương mại của Google trong lĩnh vực du lịch. Công cụ này cho phép kết hợp dữ liệu riêng từ tài khoản Google của DN với kho dữ liệu rộng hơn về nhu cầu khách hàng của Google, nhằm cung cấp bức tranh tổng quan rõ ràng hơn về cách quản lý vận hành doanh nghiệp và tìm kiếm cơ hội tiếp cận du khách tiềm năng.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay vấn đề được du khách đặc biệt quan tâm là đi du lịch an toàn. Theo ông Nguyễn Việt Anh – Trưởng phòng Lữ hành – Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh – hiện ngành du lịch đang triển khai một số biện pháp để du khách thấy an toàn khi đến TP. Hồ Chí Minh tham quan, du lịch. Cụ thể, các biện pháp như xác định điểm đến an toàn, dịch vụ an toàn, đẩy mạnh truyền thông, đa dạng, đổi mới các sản phẩm du lịch, tạo điều kiện để người dân trong nước đi du lịch và ứng dụng công nghệ thông tin bằng cách triển khai các ứng dụng (app) Việt Nam du lịch an toàn.

Sẵn sàng cho giai đoạn hồi phục

Hiện tại, một số tổ chức du lịch và lữ hành toàn cầu như Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Ban Thư ký ASEAN, Bộ Du lịch và kinh tế sáng tạo Indonesia, Tổng cục Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch Singapore, Cục Du lịch Đài Loan… đang tổ chức tiếp cận và triển khai nhiều giải pháp để nắm bắt nhu cầu du lịch trong và ngoài nước, chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn hồi phục.

Từ trong nước, nhu cầu du lịch nội địa cũng đang trên đà phục hồi. Các khu vực ven biển và du lịch thiên nhiên đang ngày càng phổ biến, điển hình như Hà Giang đã trở thành điểm đến tăng trưởng nhanh nhất với mức hơn 75% trong hai tháng gần đây. Điều này cho thấy ngày càng có nhiều du khách Việt Nam tìm kiếm các địa điểm du lịch ở những nơi còn hoang sơ.

Bà Võ Thị Ngọc Thúy – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh – cho biết: Ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm phục hồi, tái cấu trúc thị trường, các điểm đến hậu dịch bệnh. Việc nắm bắt thông tin, nhu cầu du lịch trong và ngoài nước sẽ giúp ngành du lịch và các DN chuẩn bị đáp ứng tốt nhất các nhu cầu dịch vụ.

Hợp tác liên kết phát triển du lịch đặc biệt được các địa phương chú trọng. Đến nay, TP. Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2020 với chủ đề “Liên kết phát triển bền vững” là một điển hình. Trước đó, TP. Hồ Chí Minh đã có các hoạt động liên kết du lịch rất hiệu quả với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và 5 tỉnh vùng Ðông Nam bộ.

Các DN và cả cơ quan quản lý du lịch trong bối cảnh hiện nay vừa phải cẩn trọng phòng chống dịch đồng thời nỗ lực tìm kiếm giải pháp phục hồi dần ngành du lịch, định hình những sản phẩm mới, dịch vụ mới thích ứng với thị hiếu, nhu cầu, sự quan tâm của du khách.

Theo dự báo của UNWTO, du lịch toàn cầu chỉ có thể phục hồi sớm nhất là vào quý III/2021. Trong bối cảnh này ngành du lịch Việt Nam đang cùng chung tay hành động với sự đồng lòng vào cuộc của cả DN, địa phương và cơ quan quản lý để cơ cấu lại nguồn khách, sản phẩm phù hợp, liên kết phát triển… để đón nhận cơ hội mới. Những đột phá, sáng tạo trong cách làm du lịch trong thời gian chống đỡ với dịch bệnh vừa qua, tăng cường liên kết vùng, liên kết địa phương, liên kết ngành, DN, chú trọng nâng cao chất lượng, sản phẩm du lịch, bảo đảm an toàn cho du khách… là những giải pháp trọng tâm, tạo nền tảng tạo đà để du lịch Việt Nam tìm được thời cơ trong thách thức, chủ động đón nhận cơ hội mới ngay sau khi hết dịch, tiếp tục khẳng định vị thế du lịch Việt Nam.

Ngọc Thảo

Nguồn:

#google #phục_hồi #Destination_Insights #Travel_Analytics_Center #công_cụ #UNWTO #thị_hiếu #Sở_Du_lịch_TP #lập_kế_hoạch #du_lịch #Trâm_Nguyễn #liên_kết #Google_Việt_Nam #bối_cảnh #Tổng_cục_du_lịch_Singapore #Cục_Du_lịch_Đài_Loan #Võ_Thị_Ngọc_Thúy #giải_pháp #lữ_hành #dữ_liệu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *