Nhóm nhỏ công ty quyền lực kiểm soát thị trường 30.000 tỷ USD

𝐍𝐡𝐨́𝐦 𝐧𝐡𝐨̉ 𝐜𝐨̂𝐧𝐠 𝐭𝐲 𝐪𝐮𝐲𝐞̂̀𝐧 𝐥𝐮̛̣𝐜 𝐤𝐢𝐞̂̉𝐦 𝐬𝐨𝐚́𝐭 𝐭𝐡𝐢̣ 𝐭𝐫𝐮̛𝐨̛̀𝐧𝐠 𝟯𝟬.𝟬𝟬𝟬 𝐭𝐲̉ 𝐔𝐒𝐃

Các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Amazon, Microsoft, Appe hay Google đang là ‘quyền lực tối thượng’ trên sàn chứng khoán Mỹ.

Sau khi tăng vùn vụt trong mùa hè, thị trường chứng khoán Phố Wall (New York, Mỹ) chấn động vì giá cổ phiếu các tập đoàn công nghệ lao dốc. Giá cổ phiếu Amazon, Apple, Facebook, Microsoft hay Alphabet (công ty mẹ của Google) đều sụt hơn 5%. Với việc nhóm Big Tech lao đao, chỉ số Nasdaq trải qua tuần lễ tồi tệ nhất kể từ tháng 3.

Trên South China Morning Post, chiến lược gia tài sản Patrik Schowitz của JP Morgan Asset Management nhận định điều đó phản ánh rõ một thực trạng nguy hiểm ở trung tâm tài chính Mỹ. Đó là các công ty công nghệ đang nắm “quyền lực tối thượng” tại thị trường chứng khoán Phố Wall.

Trên thực tế, hiện tượng tập đoàn công nghệ thống trị thị trường chứng khoán là khá phổ biến. Ví dụ, Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) chiếm tỷ trọng gần 30% chỉ số chứng khoán Đài Loan. Trong khi đó, Samsung Electronics chiếm hơn 20% chỉ số chứng khoán Hàn Quốc.

Các đại gia công nghệ Mỹ đang là thế lực thống trị ở Phố Wall. Ảnh: AFP.

Vấn đề lớn với thị trường 30.000 tỷ USD

Chuyên gia Schowitz cảnh báo tình trạng này có thể khiến thị trường chứng khoán một quốc gia hay một khu vực lao đao khi có tin xấu về một nhóm nhỏ doanh nghiệp hoặc một ngành công nghiệp. Điều đó giống với việc một người nông dân chỉ trồng một loại cây. Khi loại cây đó bị sâu, cả mùa vụ sẽ thất thu.

Vấn đề này có thể không gây hậu quả nghiêm trọng ở các thị trường nhỏ, bởi giới đầu tư có thể phân bổ rủi ro bằng cách rải tiền trên nhiều thị trường. Thậm chí, các nhà đầu tư có thể đổ tiền vào từng công ty theo quan điểm và sở thích cá nhân.

Tuy nhiên, ở Mỹ, một “câu lạc bộ” nhỏ các tập đoàn lớn thống trị thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới. Với giá trị vốn hóa khoảng 30.000 tỷ USD, thị trường Mỹ chiếm gần 60% thị trường chứng khoán toàn cầu và được coi là phong vũ biểu (barometer) của sức khỏe nền kinh tế thế giới.

Thời gian qua, thị trường chứng khoán Mỹ tăng tốc gần như hoàn toàn nhờ độ nóng của các loại cổ phiếu công nghệ lớn. Trước cú lao dốc mới đây, 5 cổ phiếu lớn nhất trong S&P 500 chiếm tới 25% giá trị chỉ số chứng khoán này.

Microsoft là một trong những tập đoàn thống trị chỉ số S&P 500. Ảnh: AFP.

Chỉ trong vỏn vẹn 8 tháng đầu năm, nhóm cổ phiếu này đã tăng giá hơn 50%, đẩy định giá của các công ty công nghệ lên mức cao kỷ lục. Để so sánh, thị trường chứng khoán Mỹ nói chung chỉ tăng khoảng 11%. Giới quan sát nhận định sau cú sụt giảm mới đây, giá chứng khoán công nghệ Mỹ sẽ tiếp tục tăng.

Theo Financial Times, vấn đề là các nhà đầu tư không có sự lựa chọn nào khác. Các tập đoàn công nghệ vẫn công bố kết quả tăng trưởng tốt. Khi dịch Covid-19 lây lan, nhu cầu kinh doanh, học tập và mua sắm online bùng lên mạnh mẽ.

Màn đặt cược rủi ro

Nhà phân tích Schowitz nhận định bất kể việc giá cổ phiếu công nghệ Mỹ tăng mạnh có dựa trên các nền tảng kinh doanh cơ bản và dài hạn hay không, hiện tượng này vẫn khiến thị trường chứng khoán Mỹ trở nên dễ tổn thương hơn. Phố Wall có thể chấn động bất kỳ lúc nào, khi niềm tin của các nhà đầu tư với ngành công nghệ thay đổi.

Các tập đoàn công nghệ lớn nhất nước Mỹ đang kinh doanh thuận lợi, thu về lợi nhuận cao. Một số – như Amazon, Netflix hay Zoom – thậm chí còn hưởng lợi lớn từ những đảo lộn kinh tế – xã hội do cuộc khủng hoảng Covid-19 gây ra.

Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư đổ xô mua cổ phiếu công nghệ đã đẩy định giá những công ty này lên quá cao so với thực tế. Do đó, giá cổ phiếu có thể trồi sụt tùy theo tâm lý nhà đầu tư. Một ví dụ điển hình là Tesla.

Giá cổ phiếu hãng xe điện này tăng tới hơn 400% từ đầu năm, đẩy định giá lên mức đỉnh 464 tỷ USD hồi cuối tháng 8. Tuy nhiên, từ tháng 9, giá cổ phiếu Tesla lao dốc, hiện định giá đã xuống mức 348 tỷ USD vì không được đưa vào chỉ số chứng khoán S&P 500. Một số chuyên gia dự báo giá cổ phiếu Tesla sẽ còn giảm 5-10%.

Sau đà tăng mạnh, giá cổ phiếu Apple lao dốc 7,4% trong tuần này. Ảnh: AFP.

“Thị trường chứng khoán Mỹ vốn mang tính phòng thủ cao, giờ trở thành một những màn cá cược đầy rủi ro”, chuyên gia Schowitz nhấn mạnh. Đây không phải lần đầu tiên thị trường chứng khoán Mỹ gặp vấn đề này. Bong bóng công nghệ xuất hiện trong giai đoạn cuối thập niên 1990. Xa hơn nữa, đầu thập niên 1970 chứng kiến sự thống trị của “Nifty 50”.

Chuyên gia Schowitz cần quan sát và nghiên cứu kỹ tình hình hiện tại trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Thảo Cao

Nguồn:

#Patrik_Schowitz #tối_thượng #amazon #microsoft #quyền_lực #JP_Morgan_Asset_Management #Big_Tech #Taiwan_Semiconductor_Manufacturing_Company #giá_cổ_phiếu #phố_wall #chỉ_số_chứng_khoán #vốn_hóa #thị_trường_chứng_khoán #tập_đoàn #google #TSMC #công_nghệ #alphabet #lao_đao #vùn_vụt

Leave a Reply